Mình thi hôm 10/7, vừa biết kết quả đầu tháng này. Kết quả rất bất ngờ với mình, vì tổng là 116 (R30 L29 S28 W29).

Mình cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đạt con điểm này bởi hồi cấp 3 mình chỉ trường tỉnh, hệ tiếng Anh 3 năm. Cuối năm ĐH có ôn tí TOEFL PBT rồi sau đó nhảy sang ôn IELTS, nhưng khi thi thì cũng chỉ được 6.0 IELTS (phần nói là 5.0 - điểm ở mức rất trung bình, và theo mình là thấp). Sau khi có con điểm IELTS thì mình may mắn được đi du học sang 1 nước khác, nhưng là một nước không nói tiếng Anh. Việc học ở trường bằng tiếng Anh cũng giúp phần nào cho kỹ năng đọc (vì đọc sách), nhưng kỹ năng nghe thì giáo sư cũng bập bẹ, nên rốt cục cũng không cảm giác giúp ích gì. Mình cũng không có điều kiện nói tiếng Anh nhiều trong môi trường học - kỹ năng nói mình phải luyện bằng cách khác (sẽ để cập ở dưới).

Mình nghĩ các bạn hoàn toàn đạt được mức điểm trên 100 dễ dàng nếu có thời gian 1 năm ôn luyện (dĩ nhiên bạn cũng phải có một vốn tiếng Anh cơ bản - khoản 80 TOEFL). Quan trọng nhất là các bạn có đủ kiên trì luyện tập trong 1 năm đó hay không thôi.

Cách đây khoảng 1 năm, mình dự tính đầu hè này sẽ thi TOEFL. Mình bắt đầu lên kế hoạch ôn luyện, nhưng cũng chỉ luyện được nghe và đọc là chính, các kỹ năng nghe nói mình luyện rải rác ra bởi lịch học của mình cũng khá là kín. Tuy nhiên mình nghiện ra 1 điều là nếu luyện tập đều đặn và có kế hoạch thì bạn sẽ hoàn toàn có thể đạt điểm cao.

1. Luyện đọc
Đọc báo là cách hữu hiệu nhất. Vừa giúp mình cập nhật thêm tin tức xã hội/kỹ thuật và vừa giúp mình luyện kỹ năng đọc rất nhiều. Các bạn cố gắng đọc bài ở nhiều lĩnh vực, nhất là khoa học và công nghệ. Và để tránh nhàm chán, các bạn có thể chọn những chủ đề mình quan tâm, lên Google News gõ 1 vài từ khoá là ra những tin tức liên quan (như iphone, ipad etc).
Các bạn cũng không cần phải ép buộc mình quá, đọc 1 ngày 1-2 bài báo là ổn. Quan trọng khi đọc các bạn cố gắng nắm ý chính của bài, nếu thấy một vài từ khó thì ghi ra nếu cần (còn không thì cố đoán nghĩa từ - cũng là một kỹ năng tốt). Ngay cả người bản ngữ cũng không hiểu hết được từ vựng trên những bài báo của nytimes đâu, nên các bạn đừng ép mình học từ vựng nhiều quá, sẽ nhàm chán.
Một cách luyện đọc (thú vị) mà mình hay làm là đọc blog và movie review. Ví dụ như mình quan tâm tới một bộ phim, mình lên Google News search các bài bình luận về nó, hoặc lên imdb và rottentomatoes đọc. Thật sự cá nhân mình thấy đọc review rất thú vị, và các bạn cũng học được nhiều cách diễn đạt tự nhiên hơn (bởi các review họ dùng văn phong gần gũi với văn nói hơn là báo chí). Cũng có thể tìm đọc những tác phẩm văn học mà bạn đã đọc tiếng Việt rồi - và đừng cố hiểu/nhớ hết những từ vựng bạn không biết. Kỹ năng đoán nghĩa của từ qua ngữ cảnh rất quan trọng - bởi đó là kỹ năng cần thiết cho bạn sử dụng tiếng Anh một cách hiệu quả.

Tuy nhiên các bạn cũng cố gắng học những list từ khó (như barron's 400 words, hoặc khó nữa thì có những list từ của SAT, GRE). Tuy nhiên điều quan trọng là bạn thực sự hiểu từ đó, tức hiểu được nghĩa đen (đơn giản nhé), nghĩa bóng (khó đấy), và cách dùng của từ. Ví dụ đơn thuần như từ slim/slender dù đều có nghĩa là gầy, nhưng hai từ đó nghĩa bóng (connotation) hoàn toàn khác nhau. Để biết được những cái này thì đòi hỏi bạn đọc một lượng lớn các bài viết tiếng Anh.

Nếu các bạn kiên trì đọc đều đặn thì đảm bảo vốn từ + kỹ năng đọc của các bạn sẽ lên nhanh lắm. Đến khi học kỹ năng TOEFL thì sẽ thấy khá dễ dàng và thoải mái. Mình từng đọc trên VietPhd có bạn kêu là học hết list từ 3200 từ cho GRE mà đi thi đọc TOEFL vẫn thấy khó, và mình thấy ngạc nhiên. Bởi hiện tại mình học GRE và mình chỉ học thêm được khoảng 600 từ (sau khi thi TOEFL) và mình đã thấy rất thoải mái khi đọc những bài bình luận trên nytimes (hồi trước vẫn gặp vài từ khó và mình chỉ đoán nghĩa được như ở trên mình bảo - nhưng hiểu được nghĩa của từ thì nó trọn vẹn hơn).


2. Luyện nghe
Mình tích cực xem phim truyền hình - và hạn chế dùng phụ đề. Hồi thi IELTS xong là mình đã bắt đầu tập thói quen ấy, và dĩ nhiên nó tạo ra được phản xạ nghe rất tốt, bởi tốc độ nói trên phim khó hơn tốc độ nói trên TOEFL nhiều. Tuy nhiên việc luyện nghe của mình cũng được bổ trợ bằng 1 kỹ năng mà nói ra nhiều bạn ngạc nhiên: kỹ năng nói (mình sẽ giải thích sau trong phần luyện nói).
Ngoài xem phim, cách đây 1 năm mình tích cực nghe các chương trình radio của Mỹ, khoảng 30p - 1 tiếng/ngày. Cũng có đợt mình bận nên cũng bỏ bê, nhưng nói chung rảnh rỗi mình lại lôi ra nghe tin tức. Mình thường nghe các chương trình như "This American Life" hay "Wait Wait Don't Tell Me". Nhưng thực ra có hàng nghìn chương trình cho bạn lựa chọn - bạn có thể bỏ một buổi tìm tòi 1-2 chương trình tin tức hàng tuần mà nghe. Mình thường tải vào ipod của mình và nghe những lúc rảnh rỗi, như kiểu xếp hàng chờ đợi hay đi lại trên xe bus. Nghe radio cũng là một cách giúp hiểu thêm về văn hoá Mỹ - và luyện nghe theo nhiều tình huống. Đừng stress nếu bạn không nghe được hết - cố gắng đoán, mà khôgn được thì bỏ qua. Cá nhân mình thì không thích cái VOV Special English vì chủ đề của nó khá là... chán và thiếu tính cấp nhật. Mình thích nghe tin tức cả về công nghệ lẫn giải trí (phim ảnh, âm nhạc), nên mình thường chọn những podcast có chương trình đó.
Bạn nào có ipod thì có thể subscribe và itunes nó tự tải về khi có chương trình mới (free).

3. Luyện nói
Phần này có lẽ là phần quan trọng nhất, bởi mình nghĩ nhiều bạn gặp khó khăn phần này nhất.
Mình thì mình hồi VN cũng tham gia các câu lạc bộ tiến Anh nhiều, nên cũng giúp tự tin nhiều khi nói. Đến khi đi du học thì mình tự học thêm phần phát âm (bởi fluency thì cũng có rồi) để nâng cao khả năng nói.

Giáo trình đầu tiên mình khuyên các bạn dùng là American Accent Training. Các bạn sẽ mất khoảng 2-3 tháng luyện tập đều đặn với cái này để học các âm cơ bản. Bạn nên tập phát âm vào máy tính rồi nghe lại để phát hiện lỗi sai - và cũng giúp bạn tập nghe những âm cơ bản cho quen tai. Thực ra có những âm tưởng đơn giản như /r/ nhưng thực ra là âm hầu hết người VN đều sai (bởi vần /r/ của tiếng Anh phát âm khác hoàn toàn tiếng Việt).

Sau đó nếu bạn đủ kiên nhẫn thì học thêm "American Accent Training". Học xong giáo trình này thì bạn cũng sẽ có thêm thói quen nghe từ và phân tích âm ra - nhiều lúc nó sẽ giúp bạn suy luận được spelling (cách viết) của từ ấy dù bạn chưa gặp từ ấy lần nào. Do vậy nếu nắm vững ngữ âm bạn sẽ rất thuận lợi khi luyện nghe. Với mình thì sau khi học xong ngữ âm, mình thấy phần nghe của mình lên nhanh hẳn, bởi mình học được từ vựng qua việc nghe nữa chứ không phải việc đọc đơn thuần.

Một điểm khó nữa là intonation - tức sự lên xuống của cả câu. Cái này dù cuốn "American Accent Training" có đề cập nhưng mà cũng là lý thuyết, muốn áp dụng thì bạn nên nghe phim hoặc talk show và nghe người ta nhấn lên xuống thế nào và cố gắng tập nói theo (chậm cũng được - dần sẽ quen). Các bạn đừng luyện theo các bài phát thanh tin tức, bởi giọng đọc đó không phải là giọng nói tự nhiên và nếu bạn giao tiếp bằng giọng đó thì sẽ rất buồn cười (thử nghĩ bạn nói như trên thời sự sẽ... sến như thế nào??). Các bạn cần có một cái cảm âm nhất định, bởi đến khi thi bạn sẽ không thể nhớ máy móc các luật nhấn của câu để mà bật ra được - nói được 1 câu hoàn chỉnh đã khó rồi.

Tiếp theo là về các cụm từ. Nếu bạn quen được các cụm từ trong giao tiếp sẽ giúp bạn bớt thời gian construct 1 câu - bởi bạn chỉ cần điền vào những mảng ý cần nói, còn lại những phần kia bạn đã quen rồi. Bảo những cụm từ nào phổ biến thì mình chịu, nhưng cá nhân mình khi nói thì mình không tạo câu từ những từ ngữ - mà mình tạo câu theo ý. Tức là nghĩ những từ vựng chính xong, nghĩ thêm cái thời của câu, sau đó chắp những cụm từ mình quen vào. Như thế bạn sẽ tạo câu một cách tự nhiên hơn.

Vậy làm sao làm quen với các cụm diễn đạt của tiếng Anh? Câu trả lời là các bạn tập nói theo phim và tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh hoặc tạo nhóm thảo luận thì sẽ giúp bạn có một kho với nhiều cấu trúc. Tập nói theo phim thì sẽ giúp bạn có được cái ngữ điệu lên xuống đúng hơn (nhớ ghi âm lại mà so nhé - không thì sai không biết đâu - kinh nghiệm đau thương của mình là tưởng mình làm đúng mà hoá ra cái ngữ điệu thành buồn cười đấy). Mình nghĩ 1 năm đủ cho các bạn luyện đều đặn những kỹ năng trên.

4. Luyện viết
Mình có học 1 khoá viết academic Writing ở trường - và đấy là khoá duy nhất mình luyện viết. Trường mình trường kỹ thuật nên khoá ấy cũng không quá intensive, nhưng mình cũng có đủ kỹ năng viết 1 bài essay. Mình nghĩ muốn viết tốt thì phải luyện nhiều, và cũng cố gắng đọc nhiều để tăng vốn diễn đạt. Cũng lưu ý là các bạn phải có một vốn ngữ pháp vững thì mới viết tốt được. Khi luyện viết cố gắng đặt mục tiêu khoảng 500-600 từ, bởi đó là mức để bạn đạt điểm cao trong TOEFL. Nói chung về mặt viết thì mình không dám bàn nhiều, bởi cá nhân mình nghĩ mình viết cũng chỉ mức được, chứ chưa phải là hay ho gì

Đấy là quá trình chuẩn bị của mình, trước khi ôn thi chính tức. Mình chỉ bắt đầu ôn thi chính thức vào đầu tháng 6, bởi học kỳ mình kết thúc vào tháng 5 và trước đó thì mình bận bù đầu vì research và thi cử.

Mình mua mỗi cuốn Official Guide và làm theo đó. Cũng có viết một vài bài luận để lấy cảm giác. Ngoài ra mình còn học theo trang web này:
http://www.notefull.com/content.php?pgID=250
Nó có rất nhiều tips cho phần nói và viết - và phần nói mình học theo đúng như thế này. Mình nghĩ nhờ thế nên mình đã làm tốt phần nói, dù mình lúc thi xong chỉ mong 25 thôi (chốc mình sẽ kể vụ thi cử sau).

Mình lúc này cũng đi thực tập nên cũng chỉ luyện một mình, và công ty mình thì hoàn toàn không nói tiếng Anh nên chả luyện được mấy. Tuy nhiên mình vẫn cố nghe radio và đọc báo khi rảnh để giúp kỹ năng đọc và nghe.
Ngoài ra mình cũng rất lo bởi nghe thì không khó, nhưng đến khi thi thì mình hay bất cẩn. Cả phần đọc cũng thế. Do đó trước hôm thi mình bỏ hết sách vở và ngủ 1 giấc, sáng hôm sau đi thi.